Hành trình 15 năm tiến vào thị trường CNTT Nhật của FPT

Hành trình 15 năm tiến vào thị trường CNTT Nhật của FPT

Trước thất bại của giấc mơ "làm giàu nhanh" tại thung lũng Silicon (Mỹ) trong những năm 2000, FPT dần chuyển hướng sang hợp tác với Nhật, một quyến định bất ngờ mà FPT chưa từng nghĩ tới

 

[Loa kéo] Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, chia quá trình chinh phục thị trường CNTT Nhật thành ba giai đoạn. Năm 2000, FPT bắt đầu có hợp đồng đầu tiên tại Nhật và những năm tiếp sau đó là giai đoạn các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, cùng thực hiện những dự án thí điểm và học cách làm việc với nhau. Từ 2007 đến 2012 là giai đoạn mở rộng thị trường. Còn từ 2012 đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước thay thế chương trình Trung Quốc+1 của Nhật, đồng thời đây cũng là giai đoạn đổi mới khi Việt Nam - Nhật Bản cùng hợp tác trong các dự án S.M.A.C, IoT...

"Năm 2000, tôi cùng đồng nghiệp đi tìm kiếm thị trường phần mềm trên khắp thế giới. Mỗi tháng một lần, mỗi lần 10 ngày, mỗi ngày chúng tôi có 6-8 cuộc gặp với mục tiêu là tìm khách hàng cho mảng xuất khẩu phần mềm", ông Bình chia sẻ. Khi đó, công ty FPT Software mới dự định tiến vào thị trường Mỹ nhưng đã vấp ngay phải cuộc khủng hoảng dotcom tại thung lũng Silicon khiến ban lãnh đạo phải chuyển hướng.

Trong quãng thời gian này, ông Trương Gia Bình đã gặp ông Narayana Murthy, Chủ tịch Tập đoàn Infosys và đi thăm trung tâm phát triển phần mềm lớn nhất thế giới của Infosys tại Ấn Độ. "Điều này dẫn tôi đến với ý tưởng Thác số - Cầu vượt, xác nhận cơ hội và tiềm năng của Việt Nam để mở rộng bờ cõi trí tuệ và Việt Nam có cơ hội trở thành một cường quốc công nghệ phần mềm", ông Bình cho biết.

Ngài Nishida, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Sumitomo, là người đầu tiên chia sẻ và đồng cảm với ông Bình về ý tưởng Thác số - Cầu vượt và đây được coi là "cuộc gặp may mắn của số phận". Ngài Nishida đã khuyên FPT nên sang Nhật đồng thời tận tình giúp đỡ, thu xếp các cuộc gặp gỡ với rất nhiều đối tác Nhật.


"Suốt 4 ngày trong tháng 12/2000, Giám đốc Trương Gia Bình khi đó phải 'nhai đi nhai lại' một bài thuyết trình bằng tiếng Anh ở 20 điểm khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo cao cấp phía Nhật Bản đều không sử dụng tiếng Anh và người phiên dịch đã không truyền tải hết được tư tưởng của ông. Cuối cùng, cũng có một khách hàng là NTT-IT cảm nhận được nhiệt huyết của chúng tôi và gửi e-mail hỏi FPT có muốn làm thử hay không", ông Nguyễn Thành Nam, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế FPT kể. "Người Nhật sẽ chọn bạn nếu thấy bạn thực sự quyết tâm".

hanh-trinh-15-nam-tien-vao-thi-truong-cntt-nhat-cua-fpt

Ông Trương Gia Bình trong một lễ ký kết hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản.

Thị trường Nhật bắt đầu rộng mở với FPT. Vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ và văn hoá, từ năm 2004, văn phòng FSoft tại Nhật bản được hình thành và chính thức khai trương ngày 13/11/2005. Từ 1/1/2007, FPT Software Japan (FSJ) trở thành một công ty Nhật Bản độc lập, với khả năng đàm phán, thuyết phục và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án như bất cứ một công ty Nhật Bản nào khác. Từ đây, FSJ đã đứng được trên đôi chân của mình.

Từ năm 2012, Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm từ Trung Quốc sang các nước ASEAN theo công thức ASEAN + Trung Quốc thay cho công thức Trung Quốc+1 (China plus One). Trên "đấu trường" Nhật Bản, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhờ khả năng học tiếng Nhật nhanh, lượng lập trình viên đông đảo và kinh nghiệm làm việc với Nhật cũng đi trước Việt Nam khoảng 12 năm. Tuy nhiên, chi phí sản xuất phần mềm ở các thành phố lớn của Trung Quốc tăng lên cùng với mối quan hệ chính trị Trung - Nhật trở nên căng thẳng khiến các công ty Nhật bắt đầu coi Việt Nam như một đối tác chiến lược lâu dài nhằm cân bằng lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Trương Gia Bình gọi giai đoạn từ năm 2012 đến nay là giai đoạn của sự đổi mới. Hợp tác CNTT giữa các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và FPT nói riêng với Nhật Bản đã gặt hái nhiều thành công. Việt Nam đang là đối tác hợp tác gia công phần mềm lớn thứ hai của Nhật và việc bắt tay phát triển các dự án S.M.AC, IoT trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế đang là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp hai nước.

Tại sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản 2015 (Japan ICT Day) diễn ra tháng 10/2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh rằng việc hợp tác với đối tác Nhật là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT-TT. Bộ cũng đang đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử, thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Nguồn Internet)

zalo